Tròn thương,
Thế là nhà mình vừa cùng nhau có thêm một chuyến đi nữa. Bố trêu mẹ, đây là 2 đêm đầu tiên Tròn ngủ, ko đệm, chẳng điều hoà. Quê là thế con ạ, không được tiện nghi như ở nhà mình trên Hà Nội, nhưng mà về quê thì cũng rất là vui.
Đêm nằm ngắm con ngủ, bố cứ thấy day dứt suốt, thế hệ các con sinh ra, thiệt thòi vô cùng, chẳng sung sướng chút nào cả. 30 năm trước, hè nào bố cũng được về quê cả tháng. Điện chả đủ nên mất hoài, suốt ngày bêu nắng, đi chăn bò, vặt trộm ngô, chiều chưa tắt nắng cả một lũ loi choi ôm cây chuối ra sông tập bơi, chơi tới tối mịt về ra bờ giếng múc gầu nước lạnh dội ào lên thế là trôi đi hết. Mỗi lần từ quê ra, chân tay sứt sẹo, đen nhẻm, chưa kể có thể ghẻ lở hắc lào đủ kiểu nhưng mà khi ấy, mỗi lần từ quê ra là bố lại khóc ròng vì thèm quá những trải nghiệm ấy. Tuổi thơ của bố, dù ít, vẫn đa sắc mầu như vậy.
Hồi ấy, sáng bố theo ông Khương đi tưới cây, đánh cờ, trưa thì ra võng nằm dưới gốc cây hồng xiêm ở góc sân nhà, dưới cái oi ả của nắng hè miền Trung, thi thoảng được cơn gió thổi qua là thấy sướng rơn cả người, dưới tiếng lá xào xạc, ngửi mùi lúa mới ngoài đồng thổi vào thi thoảng pha thêm cả mùi … phân lợn. Lớn lên rồi mới thấy, những thứ bình dị ấy đáng giá vô cùng. Thế nên sáng qua, thấy con ngủ say sưa dưới cái hanh hao của ngày thu ruộm vàng, dưới tiếng lá xào xạc mà bố xúc động vô cùng.
Giờ quê cũng đã lên thành phố, suy cho cùng đó là điều tốt vì cuộc sống của mọi người được cải thiện hơn, nhưng mà về quê giờ bố thấy thiếu, đi bộ quanh vài trăm mét chẳng còn thấy cánh đồng, về quê đã thấy nhiều bụi bặm, khói xe, cả cái oi ả của nhà kính. Ông bà vẫn giữ lại được khoảnh sân góc vườn, nhưng rồi làm sao đây.
Bố cứ nghĩ hoài, làm thế nào để con biết yêu quê, bố luôn tin rằng bố không thể ngồi xuống và yêu cầu con phải yêu lấy quê hương thì con sẽ biết yêu được. Tình yêu phải xuất phát từ cảm xúc, từ trải nghiệm, từ những nhớ thương. Quê là nơi chốn, nhưng hơn thế đó là nơi bố được học cách trân quý từng góc nhỏ của thiên nhiên, để biết hít căng lồng ngực để đón nhận những thơm tho của cỏ cây hoa lá, để biết rằng niềm vui không đến từ những chiếc màn hình chữ nhật nhiều sắc màu và sau cùng, để biết rằng, giữa những bộn bề và thiếu thốn thì người ta vẫn luôn biết cách để yêu và thương lẫn nhau.
Các con, sẽ phải lớn lên trong những khối bê tông và kính hình chữ nhật, nơi những căn nhà sát vách nhau mà có khi chẳng tỏ tên nhau, thời gian biểu của các con sẽ dầy kín những tiết học mà bố cũng không biết rồi nó sẽ giúp gì con nữa. Con chỉ có khoảnh vườn nhỏ xíu chỗ ban gốc với vài goốc cây cằn cỗi do phải chống chịu với cái nóng phả ra từ cục nóng điều hòa, rồi con sẽ chẳng thể hít sâu một hơi vào lồng ngực vì đó toàn là bụi mịn và khói xe. Vậy thì giữa những khô khan và hằn học đó, làm sao để con biết yêu lấy cuộc đời này.
Bố lúc nào cũng nói với mẹ rằng, bố chả mong cầu gì cả, chỉ mong con biết yêu. Biết yêu nhành cây ngọn cỏ, dòng sông và ngọn núi như bố vẫn luôn, khi con yêu thương thế giới này, thì thế giới cũng sẽ yêu thương lại con. Khi đó cuộc sống không phải là những chuỗi ngày chấm công, vội vã, chán chường mà nó giống một cuộc dạo chơi hơn. Con cũng không phải ganh đua với ai mà chỉ cần vươn xa như con có thể, để được trải và nhận những điều con xứng đáng được nhận.
Nhưng dù sao thì, con biết không, ông đang sửa nhà ở quê, bố cũng sẽ sát cùng với công việc đó, phần là để nơi thờ phụng các cụ được khang trang hơn, hơn nữa là để ta có một nơi chốn đáng mong chờ để đi về, con sẽ có đủ những điều con cần và cho con những điều con đáng được nhận, và nếu có không được nhiều, ít nhất là con cũng cảm nhận được tình yêu mà mọi người dành cho con.
Yêu